Tên miền là gì và kiến thức cần biết về tên miền
Nếu bạn đang tìm hiểu/sử dụng website thì chắc hẳn "tên miền" không còn là từ ngữ quá xa lạ. Bài viết hôm nay sẽ bàn về tên miền và những kiến thức cần biết về tên miền. Tên miền (domain) là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”.
1. Phân loại:
Nhìn chung tên miền được phân theo 2 loại chính: tên miền Quốc gia và tên miền quốc tế.
Tên miền quốc tế
Tên miền quốc tế là tên miền được cấp phát bởi Tổ chức quản lý tên miền quốc tế ICANN (www.icann.org).
Tên miền quốc tế được dùng chung cho tất cả các quốc gia.
Một số tên miền quốc tế thông dụng:
- COM: Dành cho tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại.
- BIZ: Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh
- EDU: Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
- GOV: Dành cho các cơ quan, tổ chức nhà nước ở trung ương và địa phương.
- NET: Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết lập và cung cấp các dịch vụ trên mạng.
- ORG: Dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chính trị, văn hoá xã hội.
- INT: Dành cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- AC: Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu.
- PRO: Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực có tính chuyên ngành cao.
- INFO: Dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân phối, cung cấp thông tin.
- HEALTH: Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dược, y tế.
- NAME: Dành cho tên riêng của cá nhân tham gia hoạt động Internet.
- ASIA: Dành cho các tổ chức cá nhân có thể đăng ký được nhưng về ý nghĩa thuộc vị trí địa lý Châu Á.
Tên miền quốc tế có dạng: www.tencongty.com (hoặc .net, .info, .org,...)
Tên miền quốc gia
Tên quốc gia là những tên miền có đuôi là chữ viết tắt của quốc gia mà nó được bảo hộ.
Ví dụ: .vn - tên miền quốc gia Việt Nam, .us - tên miền quốc gia Mỹ, .uk - tên miền quốc gia Anh, .de - tên miền quốc gia Đức.
Ngoài ra, còn có rất nhiều tên miền quốc gia khác, có thể tham khảo tại: https://cacnuoc.vn/duoi-ten-mien-cac-nuoc-va-vung-lanh-tho/
Tên miền quốc gia Việt Nam có dạng: www.tencongty.vn (hoặc .com.vn, .net.vn, .biz.vn, .org.vn, .gov.vn,...).
2. Chu kỳ tên miền:
- Giai đoạn đăng ký tên miền: Ở thời điểm này, vẫn chưa có ai đăng ký tên miền. Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể đăng ký tên miền miễn sao hợp lệ
- Giai đoạn hoạt động của tên miền: Đối với tên miền Việt Nam thì được đăng ký tối thiếu 1 năm và tối đa 50 năm; Chu kỳ đăng ký sử dụng tối thiểu 1 năm và tối đa 10 năm đối với tên miền quốc tế.
- Giai đoạn hết hạn: Ở giai đoạn này bạn phải thực hiện thanh toán gia hạn tên miền. Sau khi hết hạn tên miền rơi vào khoảng thời gian “chờ đợi”. Trong khoảng thời gian này tên miền không hoạt động được, nhưng không ai có thể đăng ký tên miền này. Thông thường các Registrar sẽ chờ khoảng 30 ngày để bạn gia hạn (đối với các tên miền .com, .net, .org, .info …). Đối với Tên miền Quốc gia Việt Nam sẽ có 35 ngày chờ để gia hạn
- Giai đoạn Redemption: Giai đoạn này có thể coi tên miền đã “chết”, toàn bộ thông tin quản trị của tên miền đã bị xoá, mọi hoạt động dựa trên tên miền (web, mail, …) đều bị chấm dứt.
- Giai đoạn chờ trả tự do tên miền:Đây là giai đoạn cuối của vòng đời tên miền. Thời điểm này bạn cũng như Registrar không còn có thể can thiệp gia hạn nữa. Và tùy vào mỗi tên miền mà có thời gian chờ thả tự do khác nhau.
3. Nên chọn tên miền Việt Nam hay quốc tế?
Nhiều người dùng vẫn cho rằng tên miền Việt Nam chỉ dùng được trong nước và tên miền quốc tế thì được dùng rộng rãi hơn. Đó là một sự lầm tưởng.
Thật ra, tên miền Việt Nam hay quốc tế thì đều có thể sử dụng được ở tất cả mọi nơi trên môi trường Internet. Điểm khác biệt của 2 loại tên miền này là: tên miền Việt Nam khi đăng ký thì cần làm bảng khai, cung cấp ảnh chụp 2 mặt chứng minh nhân dân và giấy phép kinh doanh (nếu đăng ký cho tổ chức). Chính vì lẽ đó, tên miền của bạn sẽ được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Tên miền quốc tế thường có chi phí thấp hơn tên miền Việt Nam nhưng thủ tục cấp phát đơn giản và nhanh gọn hơn. Việc chọn tên miền Việt Nam hay quốc tế là tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi cá nhân/doanh nghiệp.
Lời kết:
Trên đây là một số đặc điểm của tên miền. Mong rằng bài viết này sẽ góp một chút thông tin hữu ích cho bạn trong việc tìm kiếm một tên miền phù hợp với mình.